21 thg 8, 2023
Nhà thiết kế công nghiệp Lê Ngọc Ly, được biết đến với các sản phẩm nội thất ứng dụng vật liệu mới từ cỏ bàng, đã giới thiệu một bộ sản phẩm mang nét ấn tượng, độc đáo, lạ mắt, đem lại hiệu ứng thị giác khác biệt so với những sản phẩm trên thị trường.
Lê Ngọc Ly tốt nghiệp trường Đại học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Thiết kế công nghiệp. Nhờ niềm đam mê và những nỗ lực không ngừng theo đuổi ngành sáng tạo, hiện cô đang là nhà thiết kế nội thất tại một công ty nội thất ở thành phố Hồ Chí Minh.
Thông qua những chia sẻ của Ngọc Ly tại bài viết này, chúng ta có thể hiểu được cặn kẽ sự độc đáo của các sản phẩm nội thất sử dụng vật liệu từ cỏ bàng.
ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN CỦA CÂY CỎ BÀNG
Nghiên cứu về cỏ bàng, Ngọc Ly đã tìm hiểu và thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như Internet, người dân địa phương sống trong vùng có mật độ cây cỏ bàng mọc nhiều, hay những người nông dân sống nhờ vào nghề thu hoạch cỏ bàng… Ngọc Ly cho hay, cỏ bàng còn được gọi là cây cói bàng bởi cùng thuộc họ cói, chỉ có 1 lá mầm nhưng người Việt Nam quen gọi với cái tên cỏ bàng.
Đặc điểm của cây thuộc họ cói là có thể sống tốt ở các khu vực có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như trong đầm lầy, tại vùng đất ướt, khu vực ngập mặn hoặc nơi có phù sa bồi đắp như Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy cây cỏ bàng ở những khu vực hoàn toàn ngập nước.
Vào thế kỷ XVIII, cỏ bàng còn được gọi với cái tên “ Không Tâm Bồ”. Tại thời điểm đó, cây cỏ bàng chỉ được xem là loài cây dại, không hề có bất kỳ giá trị về kinh tế nào. Cỏ bàng là loài cây có sức sinh trưởng cực kỳ mạnh mẽ, mọc không hề có hàng lối, và là nỗi phiền toái của những người đi khai hoang. Họ đã phải đốt rất nhiều cỏ bàng để lấy đất. Tuy nhiên, cứ cắt bỏ hay đốt đi, một thời gian sau cây lại mọc lên. Mặc cho thời gian trôi qua, cây cỏ bàng vẫn nằm yên ở đấy, không ai chú ý, không ai quan tâm.
Thời kỳ chiến tranh, ngoài tre nứa, người dân đã tận dụng các vật liệu khác để thực hiện những sản phẩm đan lát, nhằm phục vụ cho cuộc sống vốn đã rất khó khăn. Cây cỏ bàng dần được chú ý khi người ta phát hiện ra nó có nhiều đặc tính phù hợp như dài, dẻo dai, đường kính nhỏ, giá thành rẻ…
Nhờ hình dáng và những đặc điểm riêng có đã khiến nhà thiết kế quyết định đưa cỏ bàng vào sản phẩm nội thất nghiên cứu của mình.
NGUỒN VẬT LIỆU MỚI SẴN CÓ, GIÁ RẺ VÀ THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
Cây cỏ bàng có thân dưới cứng, đường kính 8 – 10 mm, sống trong bùn, thường mọc ở các vùng đầm lầy ngập mặn như Long An, Đồng Tháp, Hà Tiên... Cỏ bàng có bông màu trắng và nâu, mỗi đốt có vảy cao 15 – 20cm, thân thẳng đứng và thường cao khoảng 1 mét. Cỏ bàng với đặc tính rỗng ruột, có mùi thơm, dẻo và dai, cực kỳ an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.
Theo nhà thiết kế, những cây cỏ bàng có thể đưa vào ứng dụng để cho ra những sản phẩm nội thất có chất lượng tốt nhất phải đạt tiêu chuẩn với phần thân dài, ống to để tạo thuận lợi trong việc sản xuất.
Đặc biệt, nhà thiết kế Lê Ngọc Ly đã đặt tiêu chí “công nghiệp” cho sản phẩm nội thất để phù hợp với yếu tố sản xuất công nghiệp, như chính tên chuyên ngành mà cô đã chọn. Thật tình cờ, loại vật liệu mới này sống như một loài cỏ dại với sức sinh trưởng cực kỳ mạnh mẽ. Cộng thêm việc trồng trọt cũng tương đối đơn giản, chỉ cần thả gốc cây xuống vùng nước ngập phèn là có thể sống và phát triển. Như vậy, nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo số lượng giúp cho cơ sở sản xuất linh động trong việc sản xuất, cũng như có thể chủ động chọn lọc những cây tốt nhất để làm ra sản phẩm.
Ngọc Ly cho biết thêm, thời gian sống ở miền Trung cô chưa hề biết đến loại cây mang tên cỏ bàng này. Nhưng khi vào thành phố Hồ Chí Minh, đi ăn uống tại các nhà hàng lớn cô đã chứng kiến nhiều nơi sử dụng ống hút từ loại cỏ này sấy khô. Cô thấy vô cùng ấn tượng và nảy ra ý tưởng tìm hiểu sâu hơn xem thử loài cây này có thể tạo ra nguồn vật liệu mới ứng dụng trong ngành thiết kế công nghiệp hay không.
Nhà thiết kế cho biết, cô đã chọn những cánh đồng cỏ bàng ở vùng đất Long An để nghiên cứu thực địa và quan sát quá trình phát triển của loài cây này. Chứng kiến ngoài đời thật khi đứng trước những thửa ruộng cỏ bàng và lúc nông dân thu hoạch, cỏ bàng mang màu sắc rất đẹp với nhiều gam màu khác nhau, ví dụ phần chân màu trắng vàng, thân cây màu xanh trung tính và phần ngọn màu xanh lá đậm.
Xung quanh vùng nông thôn Long An, cô còn thấy nhiều gia đình hiện nay sử dụng cỏ bàng để đương, sấy khô, rồi đan lát hay cung cấp cho nhà máy chế tạo ống hút để bảo vệ môi trường.
CỎ BÀNG CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG
Chưa hài lòng với những kết quả ứng dụng hiện tại vì cho rằng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của cây cỏ bàng, nhà thiết kế Lê Ngọc Ly đã thực hiện những thử nghiệm mới với loại vật liệu này.
Thử nghiệm đầu tiên với mục đích kiểm tra khả năng giữ độ bền màu sắc cuối cùng của cỏ bàng mà vẫn giữ nguyên được đặc tính ống rỗng, thân dài. Nhà thiết kế đã sử dụng máy sấy công nghệ cao sấy ống hút trong thời gian nhất định để cho ra thành phẩm cây khô nhưng không bị teo, vẫn giữ được màu vàng xanh không bị úa, thân ống vẫn cứng chắc.
Với thử nghiệm này, nhà thiết kế đánh giá phương pháp xử lý vẫn giữ được trọn vẹn tính chất, đặc trưng của loại cây thân rỗng với màu sắc đẹp như vậy. Ngoài ra, việc giữ nguyên thân cây thì khi dán lại với nhau tạo nên một bề mặt rất đẹp, cứng và chắc. Khi có tác động vật lý hay va chạm thì xác suất hỏng bề mặt được đánh giá từ nhà thiết kế là 3/10.
Thử nghiệm thứ hai nhằm mục tiêu làm phẳng, tạo bề mặt mới, thử nghiệm độ bám của cỏ bàng với các vật liệu công nghiệp khác như pima, gỗ... Nhà thiết kế đã ngâm cỏ bàng trong nước cho đủ mềm, sau đó cắt dọc thân cây và sử dụng bàn ủi, ủi phẳng rồi dán lên thử bề mặt pima bằng keo con chó, keo lạnh và keo dán sắt. Hình bên dưới là hiệu ứng mà cách làm này cho ra thành phẩm.
Sau thử nghiệm này, tác giả đã đánh giá, bề mặt được tạo ra khá ổn và an toàn, đánh mạnh vào màu sắc mà không tạo được hiệu ứng 3D. Nhưng không phải mùa vụ nào, hay việc chọn lọc cây cỏ bàng sẽ cho ra nhưng thân cây có màu sắc đẹp, đều màu.
Thử nghiệm thứ ba, nhà thiết kế đã sử dụng mặt trong cây cỏ bàng để tạo bề mặt lạ mắt. Cô vẫn cắt dọc thân cây, lọc bớt phần màng dư bên trong thân cây. Và dưới đây là hình ảnh thử nghiệm. Theo nhà thiết kế, thử nghiệm này chưa được đánh giá cao bởi vì bề mặt bình thường, như bên trong các thân cây tre, nứa, nhiều khi sẽ gây nhầm lẫn cho người sử dụng sản phẩm được ứng dụng từ cỏ bàng.
Sau nhiều thử nghiệm với vật liệu này, nhà thiết kế Lê Ngọc Ly cũng đã đánh giá hiệu quả tạo hiệu ứng từ cỏ bàng. Cô đã đưa ra kết luận việc chọn bề mặt cuối cùng có tính khả thi cao, chịu áp lực và có độ bền để sử dụng trong việc sản xuất nội thất công nghiệp. Đảm bảo vừa giữ được màu sắc đặc trưng nhất định tạo hiệu ứng rất cao thị giác, vừa có độ cứng khi liên kết, chịu được những va chạm có thể xảy ra trong quá trình sử dụng sản phẩm nội thất chỉ có thể là phương án thứ nhất.
Theo Ngọc Ly, cỏ bàng là một nguồn vật liệu dồi dào. Với số lượng lớn có thể chọn lọc được những cây có thân đẹp để đưa vào thiết kế. Từ trước đến nay, cỏ bàng được tận dụng để làm các sản phẩm đan lát như cói, tre, nứa vì độ bền chắc. Nhưng đối với nhà thiết kế Lê Ngọc Ly, cỏ bàng bây giờ mang tiềm năng lớn về một loại bề mặt trang trí mang hiệu ứng thẩm mỹ thị giác cao. Không những làm đẹp cho những góc không gian của mỗi gia đình, nó còn rất bền, phù hợp với đặc tính sử dụng đồ nội thất “phải” sử dụng được lâu dài của người dùng.
Cỏ bàng vốn là vật liệu từ tự nhiên, quy trình để tạo ra bề mặt này đơn giản và phù hợp khi được sản xuất trong dây chuyền công nghiệp. Tính khả thi rất cao, hầu như không phải gặp vấn đề gì trong quá trình xử lý loại vật liệu này. Cỏ bàng vốn là cây có thân dài từ 1-1,7m, sẽ gặp vấn đề khi nhà sản xuất có nhu cầu sử dụng những bề mặt lớn cần thân dài. Do đó, quá trình thu hoạch, sấy khô, xử lý cần phải thận trọng, nếu không cây sẽ dễ bị gãy thân, đòi hỏi công nhân phải có tính kiên nhẫn, cẩn thận và tỉ mỉ.
Trong tương lai, nhà thiết kế mong muốn có thể phát huy hơn nữa khả năng ứng dụng của cây cỏ bàng. Mong rằng những nhà thiết kế khác có thể tiếp nối việc nghiên cứu loại vật liệu này một cách triệt để, nhằm tìm ra những đặc tính mới và xử lý được những nhược điểm mà vật liệu này gặp phải trong quá trình sản xuất công nghiệp.
Thành công hơn có thể kể đến việc cỏ bàng được ứng dụng trong nội thất sẽ có tầm ảnh hưởng nhất định để đưa nguồn vật liệu truyền thống của Việt Nam ra thế giới. Điều đó vừa giúp phát triển kinh tế địa phương từ việc trồng trọt và thu hoạch cỏ bàng, vừa có một bước tiến mới trong việc thiết kế nội thất với sản phẩm chất liệu mới.
BỘ SẢN PHẨM NỘI THẤT ĐƯỢC THIẾT KẾ VỚI VẬT LIỆU MỚI
Nói về quá trình thực hiện phương án và sản xuất ra bộ sản phẩm với vật liệu mới này, nhà thiết kế chia sẻ: “Càng nghiên cứu đào sâu và thực hiện đề tài đã chọn, tôi đã chiêm nghiệm được sâu xa khi trải nghiệm lâu với sản phẩm này, hiểu rõ từng ưu, khuyết của sản phẩm. Về thẩm mỹ bao gồm màu sắc, kiểu dáng đẹp, sang trọng, tinh tế, với công năng chứa đựng cơ bản. Trên thị trường Việt Nam và thế giới vẫn chưa sử dụng vật liệu này ứng dụng trong trang trí nội thất. Hi vọng, bộ tủ trang trí này sẽ đem đến cho người dùng ấn tượng sâu sắc nhất về màu sắc và hình dáng của nó”.
Dưới dây là một số hình ảnh sản phẩm được tác giả Lê Ngọc Ly thiết kế và sản xuất.