top of page

Sự kết hợp truyền thống và
hiện đại trong thiết kế sản phẩm

21 thg 8, 2023

Trong lĩnh vực sáng tạo, chúng ta có thể đã nghe đến rất nhiều lần cụm từ “xu hướng thiết kế”. Mỗi đầu năm mới, các trang web về design sẽ bắt đầu đăng tải các bài về những xu hướng mới, những dự đoán về định nghĩa sáng tạo sẽ thịnh hành trong năm tiếp theo.

Vậy thì, điều gì sẽ tạo ra một xu hướng thiết kế? Đã có những cuộc thảo luận về trend, về xu hướng thịnh hành để có thể nắm bắt những thứ mới mẻ nhất. Nhưng làm thế nào để nhận biết khi một thứ gì đó được xác định bắt đầu một xu hướng?

Vài năm gần đây, thiết kế hiện đại là một trong những lĩnh vực chuyển động nhanh nhất. Mỗi năm sự hiện diện của những thiết kế mới khởi nguồn cho các xu hướng thiết kế mới mẻ. Trong đó, yếu tố chất liệu văn hóa được quan tâm nhiều khi vòng luân chuyển của cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại. Bằng việc kế thừa và phát huy kinh nghiệm, sáng tạo từ xa xưa, các nhà thiết kế trẻ mong muốn giữ bản sắc và lưu truyền vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Họ bắt đầu vận dụng sự sáng tạo vào thiết kế đương đại, tạo ra những định biên cũng như nhiều biến thể khác nhau trong mỗi lĩnh vực của thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Có những cảm hứng bắt nguồn từ truyện cổ tích, từ những sự kiện, nhân vật lịch sử, các địa điểm văn hóa, ứng dụng trò chơi dân gian, cho đến các giá trị văn hóa tinh thần của một dân tộc nào đó đều có thể được áp dụng vào ý tưởng của các nhà thiết kế.

Dẫn chứng thêm về giá trị của truyền thống trong xã hội đương đại, nhà thiết kế Từ Phương Thảo – Giám đốc thiết kế Sadec District, Giám đốc mỹ thuật tạp chí ELLE Decoration Vietnam chia sẻ: “Những nghệ sĩ thành công, tôi thấy ở lĩnh vực nào cũng có điểm chung là dựa lưng vào văn hoá Việt. Có thể nói vui, văn hoá Việt chính là đại gia tài trợ về ý tưởng”. Đồng thời, NTK Phương Thảo nhấn mạnh: “Dù sớm hay muộn các bạn sẽ nhận rằng tham khảo, học hỏi nước ngoài để nắm bắt xu hướng để không tụt hậu là một chuyện nhưng điều quan trọng hơn, để mình khác biệt chính là bộ gen Việt, là văn minh truyền thống Việt”.

Giá trị thẩm mỹ của một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng nằm chính ở sự sáng tạo và thực tiễn. Đưa giá trị quá khứ tới cuộc sống hiện nay phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc với tinh thần tôn trọng lịch sử, văn hóa nhưng vẫn phải mạnh dạn đổi mới, bảo đảm truyền thống được tiếp nối. Từ những nguồn cảm hứng mạnh mẽ về văn hóa, các nhà thiết kế sản phẩm công nghiệp cũng đã áp dụng chúng vào những sản phẩm công nghệ hiện đại, phủ lên gam màu mới cho mẫu mã sản phẩm một sự khác biệt độc đáo so với những sản phẩm hiện hữu trên thị trường. Trên tinh thần đó, giá trị văn hóa truyền thống được chắt lọc tinh tế, cách điệu nhịp nhàng, vừa vẫn giữ công năng sản phẩm, vừa mang lại những yếu tố, đặc điểm độc đáo của văn hóa truyền thống.

Sản phẩm Đèn T’rưng - Tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi “Sắc màu văn hóa”, Khoa Quy hoạch, trường Đại học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Tác giả: Phan Thế Nhân.

Chủ đề văn hoá luôn được xem là nguồn cảm hứng bất tận cho các thiết kế và đặc biệt là trong các thiết kế có phong cách hiện đại, đơn giản. Khi chọn lọc các chủ đề văn hoá để lên ý tưởng cho thiết kế, một suy nghĩ hiện lên trong đầu: “Phải chăng ta có thể làm phát sáng thứ âm thanh bản sắc của nó…?” Rồi sau các lần chọn lọc về nhạc cụ dân tộc, hình tượng chiếc đàn T’rưng hiện lên đáp ứng được các tiêu chí thiết kế cơ bản của một chiếc đèn, từ hình dáng, công năng đến suy nghĩ, độ khả thi khi hiện thực hoá sản phẩm, một chiếc “đàn” phát ra ánh sáng khi gõ vào nó.

Thiết kế mang sắc màu của sự dân dã, mộc mạc hoà quyện với sự hiện đại, sang trọng. Vật liệu được sử dụng chủ yếu là từ gỗ tự nhiên và nhựa nhân tạo. Sản phẩm được cách điệu từ việc thanh đổi vị trí các ống gõ theo hướng khác với chiếc đàn ban đầu nhằm mang lại kiểu dáng mới lạ, thoát ra khỏi định hình vốn có của nó. Thiết kế là sự tích hợp của cả kỹ thuật công nghệ, cụ thể là việc áp dụng các cảm biến trên các ống đèn để mang lại sự tương tác cho sản phẩm về hành động của người dùng và cả cảm xúc khi gõ trên từng ống đèn, đây cũng là công năng tăng, giảm ánh sáng tùy theo nhu cầu của người dùng.

Sản phẩm đèn T’rưng lấy cảm hứng từ việc kết hợp giữa 2 chủ đề âm thanh và ánh sáng, hướng đến một chiếc đèn nhạc cụ, một nhạc cụ có âm thanh nhìn thấy được. Phối hợp giữa sự dân dã và hiện đại, lồng công năng trong tương tác với người dùng. Tầm nhìn trong tương lai là một thiết kế có tiềm năng cho nhiều mục đích, vừa quảng bá sản phẩm, vừa đẩy mạnh về quảng bá cả về văn hoá dân tộc.

Sản phẩm Robot hút bụi “Tấm machine” - Tác phẩm chiến thắng “Giải thưởng được yêu thích nhất” cuộc thi “Industrial Design Exhibition”, do VDAS (Design Association HCMC | Vietnam) tổ chức.

Theo tác giả, nhà thiết kế Phan Chấn Hào diễn giải về ý tưởng thiết kế: “Sản phẩm máy hút bụi được phát triển mạnh về công nghệ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, chưa có nhiều sản phẩm quan tâm về mặt thiết kế tạo hình cũng như đồ họa sản phẩm mang tính thú vị, gửi gắm hình tượng ý nghĩa về sản phẩm. Chính vì lẽ đó, với sản phẩm lần này, tôi muốn cải tiến sản phẩm cả về mặt công năng lẫn hình dáng. Tích hợp đồng thời khả năng quét dọn, hút bụi và lau nhà, bên cạnh đó là bổ sung khả năng lọc khí, bụi bẩn, mang lại một thiết bị vệ sinh nhà cửa đa năng, tiện dụng hơn. Không chỉ vậy, tạo dáng và đồ họa sản phẩm lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật cô Tấm (họa tiết cách điệu từ chiếc yếm đào - hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Việt xưa) với ý nghĩa nàng Tấm chăm chỉ, đảm đang công việc nội trợ; hình tượng nhân vật ông Bụt (xuất hiện bên làn khói đặc trưng với hình ảnh bộ râu trắng) gửi gắm ý nghĩa các yếu tố thần kì, những phép màu có thể làm sạch, vệ sinh không gian nhà cửa chỉ bằng một cái hô biến. Từ đó, thể hiện thông điệp về cuộc sống tiện nghi mang đầy đủ giá trị chân - thiện - mỹ, cũng như gửi gắm tình yêu đối với văn hóa dân gian nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung”.

Qua sản phẩm Robot hút bụi “Tấm machine”, có thể thấy tác giả đã giải quyết được nhu cầu vệ sinh nhà cửa trong cuộc sống của xã hội hiện đại bận rộn. Đồng thời, sản phẩm khai thác khía cạnh thẩm mỹ mới mẻ, thoát ra khỏi góc nhìn đóng hộp về robot. Hai hình ảnh nhân vật cổ tích “Tấm Cám” được khai thác tinh tế, vừa khai gợi lại cho người sử dụng về câu chuyện cổ tích dân gian thân thuộc trong một cách thể hiện mới mẻ, vừa mang đến nét thẩm mỹ độc đáo thông qua sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Không dừng lại ở đó, sản phẩm còn có thể ứng dụng linh hoạt trong cuộc sống công nghiệp hiện đại bằng cách tối ưu hóa quá trình vệ sinh nhà cửa, để công việc dọn dẹp không còn là một gánh nặng mà là một niềm vui, mang lại một không gian sống hoàn hảo, tận hưởng cuộc sống sạch đẹp bên cạnh người thân và gia đình.

Bộ sản phẩm bàn ăn “Nonil” - Tác giả: Seung Won Moon. Lấy cảm hứng cách điệu từ mái hiên hanok (nhà truyền thống Hàn Quốc).
Nhà thiết kế Seung Won Moon chia sẻ: “Tôi tin tưởng vào giá trị độc đáo và phổ quát của di sản văn hóa bấy lâu nay. Khai quật lại những hiện vật đã được lưu truyền và vẽ nên một sắc màu mới từ những hiện vật có dấu vết của truyền thống văn hóa Hàn Quốc. Tôi quyết định thực hiện dự án ‘Nonil’ bởi tôi tin rằng đó là một trong những điều quý giá nhất với tư cách là một người được sinh ra trên đất nước này”.

Nonil được lấy cảm hứng từ mái hiên hanok, một đặc điểm kiến trúc nổi bật của văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Khác biệt với phong cách kiến trúc chung của các nước Đông Á láng giềng, mái hiên hanok có bốn góc, lên xuống, trái và phải. Tất cả đều được uốn cong vào trong, và phần hiên có độ cong nhỏ, tạo hiệu ứng điểm nhấn nổi bật cho các góc.

Từ đó, tác giả thiết kế bộ sản phẩm trên mục tiêu làm mới các đặc điểm hình thành độc đáo của hanok theo phong cách hiện đại. Biên dạng của hanok tạo thành bởi những đường thẳng, kết hợp với các đường cong nhẹ nhàng. Tạo nên tính nhịp điệu thú vị. Trong tiếng Hàn thuần túy, tác giả nhận thấy tính nhịp điệu như một cách chơi đùa trong cách điệu thiết kế, nên đã đặt tên sản phẩm là “Nonil line” (gốc là nonilda). Vì thế, Seung Won Moon đã tạo nên “Nonil” từ những đặc điểm đó.

Nghệ thuật không có địa chỉ là nghệ thuật không có nguồn gốc. Với lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, cái nguồn gốc không chỉ là tính sáng tạo riêng của mỗi họa sĩ thiết kế, mà còn phải hài hòa trong các quan hệ khoa học – thẩm mỹ - văn hóa truyền thống, của cộng đồng dân tộc hay của quốc gia.

Do vậy, có thể thấy, tính dân tộc và bản sắc trong thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng Việt Nam mang tính thực tiễn cao. Các yếu tố hình khối, chất liệu, màu sắc và các họa tiết trang trí là những phương tiện tạo hình, truyền tải thông tin nhận diện và là hình thức làm đẹp cho mỗi đối tượng sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Chúng không chỉ là phương tiện tạo hình trong quá trình thiết kế, mà còn hàm chứa thông điệp văn hóa, bản sắc của mỗi dân tộc và đặc tính bản địa của từng vùng miền khác nhau. Những phương tiện và hình thức tạo hình trên là cơ sở nền tảng cho các họa sĩ mỹ thuật ứng dụng sáng tạo và thiết kế ra những sản phẩm vừa đẹp, vừa hữu dụng và mang giá trị văn hóa.

Phan Chấn Hào

Lầu 5., Cao ốc Thiên Sơn, 05 Nguyễn Gia Thiều, Q.3 - TP. HCM​

T. 08674.51671  |  E. design@designplus.vn

GP MXH số 18/GP-BTTTT cấp ngày 27/01/2024 

bottom of page